Đăng Ký Học
Ngày 06/02/2025 11:58:13, lượt xem: 42
Đề bài: Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về cách để vượt qua áp lực đồng trang lứa đối với học sinh hiện nay.
Bài làm
Theo khảo sát của Parent for Future, cứ 10 người trẻ thì có 8 người biết đến khái niệm “peer pressure” (áp lực đồng trang lứa), điều này chứng tỏ mối quan tâm của các bạn trẻ với chủ đề này. Và thực tế đáng lo ngại là áp lực đồng trang lứa đang trở thành hiện tượng phổ biến ở giới trẻ, đe dọa đến sự phát triển lành mạnh của các bạn trẻ. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp để thế hệ trẻ vượt qua áp lực đồng trang lứa.
“Áp lực đồng trang lứa” (peer pressure) là một thuật ngữ thuộc chuyên ngành tâm lý học. Theo Từ điển tâm lí học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, áp lực đồng trang lứa xảy ra khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi giá trị, hành vi để theo kịp chuẩn mực của nhóm. Một cách hiểu đơn giản hơn về áp lực đồng trang lứa là cảm giác tự ti, thua kém khi không đạt được nhiều thành tựu như bạn bè xung quanh.
Nguyên nhân của hiện tượng này cần được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, đó là do sự tự so sánh của mỗi người với người khác. Chúng ta đều mong minh tốt hơn, nên thường nhìn theo người khác để phấn đấu. Nhưng thành tựu của người khác đôi khi lại làm ta thấy mình nhỏ bé, thấy mình “chưa đến đâu”. Ngoài ra, bởi vì là một thực thể xã hội, mỗi người đều muốn được hòa nhập với cộng đồng. Do đó, chúng ta càng mong mình phải ngang bằng, hoặc thậm chí hơn nhiều người trong cộng đồng đó. Một nguyên nhân quan trọng không kém là từ môi trường sống, sự nuôi dạy của cha mẹ với con cái. Nhiều bậc phụ huynh có xu hướng so sánh con mình với “con nhà người ta”, quá khắt khe trong thành tích, hình thành ở trẻ cảm giác cạnh tranh, ganh đua, và khi không bằng người khác thì luôn phải lo lắng, sợ hãi,... Điều này tất yếu dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng.
ĐỌC THÊM: VIẾT BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT | GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA DÂN TỘC
Áp lực đồng trang lứa khiến học sinh luôn thấy tự ti, thua kém so với bạn bè xung quanh. Vì luôn luôn thấy mình chưa đủ tốt, các bạn khó hài lòng với thành quả mà mình đạt được. Do đó, tâm trạng dễ xuống dốc, thường xuyên thấy chán nản và có thể xuất hiện hành vi tiêu cực để giải tỏa tâm lí. Cũng vì vậy mà các bạn thiếu tập trung, khó dành được sự chú ý cho việc học. Hiệu quả học tập và công việc đều đi xuống. Cứ thế, áp lực như một vòng luẩn quẩn, khiến người ta không thể thoát ra được.
Bởi vậy, chúng ta cần có những giải pháp hữu hiệu để vượt qua áp lực đồng trang lứa. Trước hết, hãy học cách hiểu bản thân. Albert Einstein từng nói “Nếu bạn đánh giá con cá qua khả năng leo cây, thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Mình phải xác định được vị trí hiện tại của bản thân, hiểu được đúng năng lực bản thân thì mới có được những mục tiêu và cách thức phấn đấu cho phù hợp. Thứ hai, thay vì theo đuổi những thành tựu quá lớn lao, ta có thể đặt ra từng mục tiêu nhỏ cho từng giai đoạn và thực hiện trọn vẹn những mục tiêu đã đề ra. Điều quan trọng là biết đủ. Đừng quá tập trung vào những người xung quanh, hãy dành nhiều thời gian cho bản thân hơn để thấy được sự tiến bộ của mình với chính mình. Chính việc thấy mình tốt hơn qua từng ngày sẽ giúp ta thoải mái hơn, có năng lượng để tiếp tục cố gắng.
Áp lực là vũng bùn lầy mà chỉ một mình mình vật lộn thì không thể thoát ra được. Muốn vượt qua được những áp lực, cũng cần có sự phối hợp từ gia đình và cộng đồng. Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ nên kiên nhẫn với con, không nên quá gò ép những kì vọng của bản thân vào con mình. Cần tôn trọng sở thích, nguyện vọng của con; tạo điều kiện cho con phát triển. Cũng cần tôn trọng quá trình nỗ lực của con, công nhận sự tiến bộ của con qua từng giai đoạn. Gia đình nên là điểm tựa để trẻ có cơ hội thể hiện bản thân, thay vì khiến trẻ cứ dần dần thu hẹp mình lại. Phải thừa nhận rằng, “áp lực tạo kim cương”, khi có áp lực, con người ta mới có động lực để cố gắng. Thế nhưng, cứng quá thì sẽ gãy, việc quá áp đặt nguyện vọng của cha mẹ vào con cái chỉ khiến cho con trẻ gặp càng nhiều khó khăn mà thôi.
Trong “Hoàng tử bé”, Antoine de Saint viết “Cứ thẳng tiến về phía trước đi. Mọi người không thể đi quá xa đâu, và bạn sẽ luôn đuổi kịp họ”. Dẫu biết hành trình cố gắng còn nhiều khó khăn, nhưng hãy cứ tin rằng bạn là ngôi sao chờ ngày tỏa sáng. Hãy kiên định với mục tiêu của mình và hết mình với mục tiêu đó. Khi ấy, đích đến sẽ là một chính mình tốt đẹp nhất.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10
- Khóa học Phương pháp và luyện đề lớp 9
Tin liên quan